Tọa đàm “Nhân lực CEO – tầm nhìn Doanh nghiệp”
- Tập đoàn Hoa Sen 7 lần liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho cả 3 nhóm sản phẩm Tôn Hoa Sen, Ống Thép Hoa Sen, Ống Nhựa Hoa Sen
- Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen công bố báo cáo tài chính hợp nhất niên độ tài chính (NĐTC) 2023-2024
- Chương trình “Mái ấm gia đình Việt” sẽ có mặt tại Hà Nam để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám Đốc Hoa Sen Group (áo trắng)
“Đi vào hội nhập, ai cũng thấy sự cần thiết của đội ngũ CEO giỏi, song nguồn cung CEO giỏi ở đâu? Làm thế nào phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ này? Những cuộc hội thảo về CEO trong hai năm 2006-2007 và diễn đàn “Trải thảm đỏ đón CEO” trên Báo Người Lao Động thu hút đông đảo độc giả và những người quản lý điều hành doanh nghiệp (DN) cho thấy chủ đề này luôn được quan tâm rộng rãi. Trong bối cảnh đó, đặt trong tương quan nhân lực CEO và tầm nhìn DN, cần gấp rút có lời giải thỏa đáng”. Ông Trần Thanh Hải, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã nhấn mạnh như vậy khi khai mạc tọa đàm “Nhân lực CEO – Tầm nhìn DN” vào ngày 26-4. Tọa đàm thu hút hơn 100 đại biểu là đại diện các DN tại TPHCM, Hà Nội và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long…
Chủ không ôm đồm, CEO giỏi thích nghi
Từ thực tiễn phát triển của DN, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, nhìn nhận: CEO luôn là bài toán lớn, bài toán có tính sống còn. Ông Vũ nói, bản thân ông cũng muốn tách bạch chức năng nhiệm vụ của chủ tịch HĐQT và CEO nhưng hiện nay tìm CEO quá khó. Trong quan hệ chủ DN – CEO thì yếu tố đầu tiên là sự đáng tin cậy và phù hợp văn hóa DN. Không thể giao DN xây dựng nên mồ hôi nước mắt cho người không đủ sức, không đủ tin cậy. Cũng theo ông Vũ, CEO đòi hỏi nhìn xa trông rộng nhưng cũng đừng quên nhìn quanh mình, đừng quên cuộc sống nhân viên và nhìn tới sự tận tụy của cộng sự.
Tán thành sự cần thiết có CEO giỏi cho sự phát triển của DN, ông Dương Xuân Giao, Giám đốc Công ty Phát triển nguồn nhân lực Net Việt, nói: Chủ DN phải thật sự trải thảm đỏ, mời họ bằng tấm lòng chân thành. Hiện có tình trạng chủ DN VN còn nhiều người đa đoan, ôm đồm quá, can thiệp sự vụ khiến cho CEO nản. Ông Trần Xuân Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Năm Sao, cũng nhìn nhận: Ông chủ DN nên có tầm nhìn xa, bởi có thể thành công trong quá khứ nhưng không hẳn thành công ở tương lai và không nên đẽo cày giữa đường, thay đổi loạn xị cả lên.
Vậy tố chất nào cần có đối với một CEO giỏi, hiện đại? Theo ông Nam, đó là khả năng quản trị sự thay đổi, thích nghi, vì môi trường kinh doanh luôn thay đổi. Không chịu thay đổi, không linh hoạt điều chỉnh sẽ không thành công, sẽ lỗi thời.
Cùng nhìn về một hướng
Lý giải nguyên nhân vì sao khó kiếm tìm CEO giỏi, ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Minh Quân, nói: “Vì môi trường kinh doanh hiện nay có nhiều biến động, vì xuất phát điểm của nhiều ông chủ VN là đơn độc tạo dựng DN, vốn hoàn toàn của ông ta nên hành xử lắm khi độc đoán, cảm tính. Nhưng khi có CEO, đúng nghĩa là nhà quản lý cho HĐQT, cổ đông, thì ông chủ sẽ không đơn độc nữa, sẽ hành xử đúng mực hơn”.
Cử tọa đều hết sức chia sẻ ý kiến chân tình của ông Lý Hải Long, Giám đốc Công ty Bảo Thanh, khi ông nói rằng khởi sự DN chỉ với ước mong đơn giản ban đầu là cải thiện cuộc sống. Khi DN phát triển lại băn khoăn tìm chọn CEO làm cộng sự. Theo ông Long, phải là người cùng chí hướng, từ đó đầu tư đào tạo để trở thành CEO thì tốt hơn là đi thuê CEO từ bên ngoài.
Ông Lý Hải Long, Giám đốc Công ty Bảo Thanh phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: T.Thạnh)
Cần giải pháp trung dung?
Trong tương quan nhân lực CEO và tầm nhìn DN, ông Nguyễn Anh Tài, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long lý giải sở dĩ CEO VN khó khăn trong xử lý công việc là vì sứ mệnh, chiến lược chưa rõ ràng; do DN không kiểm soát nên không giao quyền. Trong điều kiện hiện nay, DN VN có thể dùng CEO làm trợ lý, cố vấn là phù hợp; đến lúc đủ điều kiện chín muồi sẽ bổ nhiệm, giao quyền cho họ đúng nghĩa CEO.
Thẳng thắn và khá gai góc, ông Hoàng Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc Nội vụ Tập đoàn Hoa Sen, nói: “Tôi chưa tin CEO thành công ở DN VN vì chưa có điều kiện cần và đủ, đó là chủ DN chưa thấy cần thiết có CEO và chưa đủ thiết chế cho CEO hoạt động”. Ông Minh đặt vấn đề: CEO không là thánh nhân, có cây đũa thần, mà CEO cần bộ máy, cộng sự, cơ cấu, trợ thủ để anh ta hành xử. Thay đổi cung cách hoạt động với vài ngàn con người trong DN không thể một sớm một chiều. Trong khi vài tháng chưa hiệu quả, chủ DN đã nóng ruột thì CEO giỏi cũng khó thành công. Ông Minh đưa ra giải pháp trung dung mà theo ông có tính khả thi: Chủ DN nắm toàn quyền điều hành chung nhưng nên có người điều hành hoạt động hằng ngày. Sau khi người này trở thành thành viên, hiểu văn hóa DN thì chuyển giao hẳn cho làm CEO.
CEO có phải là người làm thuê? Đây là vấn đề được cử tọa quan tâm. Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (IDR), trong chừng mực nào đó, CEO là người làm thuê. Khi thuê, tốn tiền thì chủ DN phải tạo điều kiện cho CEO làm việc để tạo ra hiệu quả và phải chấp nhận rủi ro, không thể thất bại thì đuổi. Phải làm sao để CEO trở thành viên kim cương của DN, tỏa sáng, làm được việc cho DN. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Minh Quân, cho rằng CEO không là người làm thuê mà là một trong những ông chủ công ty, “tôi sẽ cho CEO tham gia góp vốn hoặc tôi chuyển nhượng cổ phần cho CEO” – ông Minh nói. Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen: Đừng coi CEO là người làm thuê, coi vậy là thất bại từ đầu. Quan hệ chủ DN – CEO là hai chiều, hợp tác, nỗ lực, phải hài hòa trách nhiệm và chia sẻ thành công. Có tư duy sáng tạo, dám chấp nhận thử thách GS-TS Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (IDR): Nghĩ tới mô hình, chân dung CEO Việt tương lai Tọa đàm hôm nay đã đặt ra vấn đề gai góc là quan hệ giá trị và lợi ích giữa chủ DN và CEO. Cả hai phải hướng đến sự phát triển lâu dài của DN, rút ngắn sự khác biệt, đồng thuận để phát triển. Đó là vấn đề động cơ, giá trị, điều kiện cần và đủ của hai phía, gặp nhau thì tạo môi trường bền vững cho DN. Tọa đàm một lần nữa khẳng định chuẩn CEO hiện nay là Tầm và Tâm, từ đó gợi cho chúng ta nghĩ tới mô hình, chân dung của CEO Việt tương lai. CEO Việt khác CEO của các quốc gia khác ra sao. Một CEO giỏi hôm nay phải là nhà hoạch định, tổ chức các chương trình chiến lược cho DN, có tư duy quy trình hợp lý đến tư duy sáng tạo, chấp nhận đổi mới. Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, CEO phải dám chấp nhận đổi mới và rủi ro, phải có tính dự báo nguy cơ cũng như cơ hội mới trong môi trường toàn cầu. Ông Hà Tôn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Stellar Management: Không dùng bản đồ cũ để tìm đất mới Từ bài học thành công và thất bại của bản thân, theo tôi, một CEO hôm nay cần lưu ý một vài điểm sau: Một là, tư duy mới trong quản trị kinh doanh. Một số người hay nói thương trường là chiến trường. Đó là tư duy không đúng. Không nên cạnh tranh kiểu chiến trường đó mà phải đi bằng ý tưởng khác. Không dùng bản đồ cũ để đi tìm đất mới. Hai là, vấn đề sách lược. Khách hàng là thượng đế nhưng nhân viên là thứ nhất. Một nhà hàng ở Mỹ đưa ra bài toán cái bàn 4 chỗ nhưng nhân viên làm sao sắp cho được 12 người ngồi. Thực ra lời giải ở đây là 12 lượt khách, nghĩa là khách đến và trở lại. Ông chủ nhà hàng có lợi nhuận nhờ CEO biết quản lý làm cho nhà hàng thành công, nhờ nhân viên phục vụ giỏi. Ba là, phải biết hành động với tư duy khác. Không đi trước thì phải đi theo. Chủ DN phải tạo môi trường cho CEO làm hết trách nhiệm, phát huy năng lực sáng tạo. Trước đây ta chọn người làm được việc, đỡ tốn kém nhất, hiệu quả nhất; nay chọn người biết sáng tạo, biết phải làm gì, giao trách nhiệm cho họ. Và cuối cùng là phải biết tạo ra sự khác biệt. Ông Lê Minh Trí, Giám đốc Nhân sự Công ty Thiên Thanh: Có hy vọng tương lai để toàn tâm cống hiến Tôi rất đồng tình với quan điểm cho rằng CEO phải có động lực để làm việc. Nhưng CEO là một công việc đặc biệt, vì vậy ngoài động lực CEO phải có cảm hứng làm việc, biết làm những gì cho hiện tại và hướng tới tương lai. Khi một công ty tuyển dụng CEO thì phải có công việc rõ ràng để giao cho họ, với mục tiêu nhất định. CEO phải có gì đó để yêu thương, gắn bó. Đó là sự gần gũi, chia sẻ với các cộng sự, nhân viên trong công ty. Đặc biệt CEO phải có hy vọng về sự phát triển bền vững của công ty, trong đó có sự đóng góp thiết thực của chính CEO. Có được những thứ trên thì CEO sẽ toàn tâm, toàn ý làm việc. |
(Theo Báo Người Lao Động, ngày 27/04/2008)