Thép lao đao, sao Hoa Sen Group vẫn khỏe?
- Chương trình “Mái ấm gia đình Việt” sẽ có mặt tại Hà Nam để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
- Sở Xây dựng Bình Định cùng hai nghiệp đoàn Pháp tham quan chính thức Nhà máy Ống nhựa Hoa Sen
- Mái ấm gia đình Việt ghi hình tại Đắk Lắk: Tiếp tục hành trình mang yêu thương về các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Tương quan so với ngành
Hoa Sen Group (HSG) là một trong số ít các công ty niêm yết chọn niên độ báo cáo tài chính vắt từ quý IV của năm trước sang quý III của năm sau, do đó báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp này cũng thường “trình làng” sớm và theo đó HSG cũng có thể bị “ảnh hưởng” hoặc “tận hưởng” những tác động của quý IV năm trước lên kết quả kinh doanh cho cả năm.
Theo số liệu kinh doanh mới nhất mà HSG vừa công bố, doanh thu 12 tháng đầu niên độ tài chính 2011 – 2012 (từ ngày 1/10/2011 đến 30/9/2012) đạt 10.086 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng (vượt 145% chỉ tiêu), sản lượng tiêu thụ đạt hơn 452 ngàn tấn, cao nhất từ trước đến nay, chiếm hơn 40% thị phần cả nước. Trong đó, quý 4/2011 (tức quý đầu tiên theo niên độ tài chính 2011-2012 của HSG) doanh thu đạt 2.531 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 230% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 30 tỷ đồng lên 99,07 tỷ đồng.
Trong niên độ hoạt động sản xuất 2012 của Hoa Sen Group, 2 quý cuối có vai trò quan trọng: Quý III mang về cho HSG lợi nhuận sau thuế đạt 134 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước và quý 4/2012, lợi nhuận của riêng công ty mẹ đã tăng 1.022%, từ 11 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước lên 132 tỷ đồng, trong đó có khoản đóng góp của doanh thu tài chính từ chia cổ tức của các công ty con cho công ty mẹ tăng. Cùng với sự gia tăng lợi nhuận gộp là việc giảm các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp…
Nếu so với một vài doanh nghiệp đầu tàu của ngành thép thì kết quả kinh doanh qua từng giai đoạn nói trên của HSG đều thể hiện sự vượt trội. Chẳng hạn, so với Thép Pomina (POM), lũy kế 9 tháng 2012 theo niên độ kế toán đầu năm đến cuối năm, POM lãi ròng 94,5 tỷ đồng, bằng gần 20% so với cùng kì 2011 và chỉ gần bằng một quý đầu tiên của HSG trong niên độ tài chính 2011-2012. Hoặc so với Thép Việt (VIS), kết quả kinh doanh quý 3/2012 đã lỗ 10,95 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng 2012, VIS lãi chỉ 9,66 tỷ đồng (xấp xỉ 1/10 mức lãi 9 tháng đầu năm 2011).
POM là doanh nghiệp đang sở hữu nhà máy luyện thép lớn nhất Đông Nam Á với công suất luyện phôi 1 triệu tấn/năm, cán thép 1 triệu tấn/năm (theo chủ đầu tư) và có vốn điều lệ 1.874 tỷ đồng (gần gấp đôi vốn điều lệ của HSG) và đứng đầu về thị phần thép xây dựng. Còn VIS là doanh nghiệp có vốn điều lệ xấp xỉ 50% so với vốn điều lệ của HSG, tuy nhiên đây là doanh nghiệp có mức tăng trưởng âm liên tục trong 2 năm trở lại đây. Một doanh nghiệp khác trong ngành thép, tuy kết quả đạt được không ấn tượng như HSG, nhưng cũng không đến mức độ “èo uột” là Thép Hòa Phát (HPG). HPG cũng đạt được 12.849 tỷ đồng doanh thu và 852 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (đạt 94% so với kế hoạch đã đề ra). Đây là doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới 3.492 tỷ đồng, gấp 3,5 lần HSG và có khoảng 78% doanh thu đến từ thép, 22% doanh thu còn lại đến từ các hoạt động đầu tư bất động sản, tài chính và kinh doanh khác.
Bí quyết để “vượt trội”
Vậy điều gì đã khiến Hoa Sen Group – không phải là “anh cả” về vốn liếng, quy mô, đầu tư máy móc, nhưng ở thời điểm hiện tại đã vượt hẳn lên so với hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành? Theo ông Trần Ngọc Chu, Tổng Giám đốc HSG, 5 lợi thế mà HSG đưa ra làm nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp là: Quy trình sản xuất khép kín; tiên phong đầu tư công nghệ mới; sở hữu hệ thống 110 chi nhánh phân phối, bán lẻ (mua tận gốc, bán tận ngọn); hệ thống quản trị và văn hóa doanh nghiệp đặc thù; thương hiệu hướng đến cộng đồng. Năm yếu tố này đã giúp HSG chiếm lĩnh được phần lớn “miếng bánh” thị trường trong nước và đẩy mạnh được hoạt động xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Chiến lược xây dựng thương hiệu bền bỉ qua nhiều năm đã hỗ trợ HSG bứt phá ở giai đoạn này |
Ông Nguyễn Trung Hòa, chuyên viên phân tích CTCK Maybank Kim Eng nhận định: “Trong 9 tháng 2012, thị phần nội địa của HSG đã gia tăng từ 37% trong năm 2011 lên gần 40%. Hệ thống phân phối rộng lớn và giá thành sản xuất thấp hơn từ 3-5% so với các đối thủ trong ngành đã mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho sản phẩm của HSG tại thị trường nội địa. HSG là một trong những công ty đầu tiên đầu tư dây chuyền sản xuất thép cán nguội (CRC) từ thép cán nóng (HRC) nhập khẩu và HRC hiện được miễn thuế nhập khẩu trong khi CRC phải chịu thuế nhập khẩu 7% do chính sách khuyến khích sản xuất CRC nội địa của Chính phủ. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của HSG thường cao hơn các công ty khác trong ngành từ 3-5 điểm phần trăm”. Một yếu tố khác cũng mang lại lợi thế cạnh tranh cho HSG là: mặc dù ngành thép đang rất khó khăn và tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh, nhưng nhu cầu phân khúc tôn mạ trong nước lại vẫn có sự tăng trưởng và đã tăng 25% trong 6 tháng đầu năm 2012, trong khi đây lại là sản phẩm chính của HSG và HSG cũng dẫn đầu thị trường này, hiện đang tiếp tục đầu tư cho sản phẩm này tại nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ.
Niên độ 2012, HSG cũng gia tăng doanh thu và lợi nhuận từ 2 yếu tố: tăng xuất khẩu và giảm thiểu chi phí tài chính. Mặc dù sản phẩm xuất khẩu cho tỷ suất lợi nhuận thấp hơn thị trường trong nước, nhưng đây là kênh tạo nguồn thu ngoại tệ để hạn chế rủi ro tỷ giá từ việc nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và giúp HSG tái cấu trúc nợ.
Bộ phận Phân tích Chứng khoán Đông Á cho rằng, cũng như các doanh nghiệp trong cùng ngành thép, nợ ngắn hạn của HSG chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ phải trả. Vì vậy, khi việc điều chỉnh lãi suất giảm diễn ra thì các khoản vay và nợ ngắn hạn của HSG sẽ làm giảm chi phí lãi vay. Quý 4/2012, báo cáo tài chính của công ty mẹ cho thấy, đã giảm chi phí tài chính 13,3 tỷ đồng do cấu trúc nợ ngắn và dài hạn so với cùng kỳ và do lãi suất giảm có thể tăng thêm lợi nhuận sau thuế. Việc giảm lãi suất lẽ ra cũng có thể tác động tới chi phí tài chính của các doanh nghiệp khác trong ngành thép tương tự như HSG, nhưng tại sao các doanh nghiệp này vẫn kẹt trong chi phí tài chính và gánh nặng nợ vay? Câu trả lời là một nỗ lực thoát ra khỏi đòn bẩy nợ bằng việc quyết tâm chuyển nhượng các dự án đầu tư bất động sản đã mắc kẹt trước đó, cũng như quyết tâm tái cấu trúc nợ. Không phải doanh nghiệp nào cũng nhìn thấy và làm được.
Như vậy, để vượt lên chính mình, Hoa Sen Group đã trở về với năng lực cốt lõi, xây dựng chiến lược bán hàng giá thấp, đặc biệt là với sản phẩm chính của mình trên thị trường dân dụng, quyết liệt giảm chi phí và tái cấu trúc nợ. Ngoài ra, không thể không tính đến kế sách xây dựng thương hiệu bền bỉ qua nhiều năm đã hỗ trợ cho HSG bứt phá ở giai đoạn này.
http://dddn.com.vn/20121101102650292cat44/thep-lao-dao-sao-hoa-sen-group-van-khoe.htm
Bài: Trung Nhật
Ảnh: T.L