Khẳng định giá trị Hoa Sen Group
- Chương trình “Mái ấm gia đình Việt” sẽ có mặt tại Hà Nam để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
- Sở Xây dựng Bình Định cùng hai nghiệp đoàn Pháp tham quan chính thức Nhà máy Ống nhựa Hoa Sen
- Mái ấm gia đình Việt ghi hình tại Đắk Lắk: Tiếp tục hành trình mang yêu thương về các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Ban Tổng Giám đốc cùng CBCNV Hoa Sen Group chụp hình lưu niệm tại Hội nghị ĐHĐCĐBT lần 1 NĐTC 2009 – 2010 Công ty CP tập đoàn Hoa Sen
Có được sự tăng trưởng mạnh mẽ này là nhờ chiến lược kinh doanh đúng đắn của Hoa Sen Group (HSG) qua việc xây dựng chuỗi lợi thế cạnh tranh cốt lõi. Mấu chốt thành công của có thể gói gọn trong 3 cụm từ: hệ thống phân phối, thương hiệu và năng lực điều hành. Tầm nhìn của HSG là trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu ViệtNam va khu vực bằng chiến lược phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi tôn – thép, vật liệu xây dựng.
Mua tận gốc, bán tận ngọn
Trước đây, khi HSG tiến hành xây dựng hệ thống phân phối, nhiều người đã tỏ ra quan ngại và cho rằng khó thành công. Nhưng đến thời điểm này thì suy nghĩ đó phải thay đổi vì HSG đã xây dựng được một hệ thống phân phối trực tiếp rộng khắp trong phạm vi cả nước. Hiện tại, HSG có 87 chi nhánh, mục tiêu trong tương lai sẽ nâng lên 150 vào năm 2015.
Điều đáng nói là hệ thống chi nhánh này đều nằm ở những vị trí “đắc địa” và là tài sản của HSG, chứ không phải đi thuê nên rất ổn định. Ngoài ra, đây còn là một lợi thế rất lớn, bởi doanh nghiệp chủ động được hàng hóa, giá cả và còn tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn khi sản phẩm được bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Lê Phước Vũ nhấn mạnh: “Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra thì hệ thống phân phối chủ động này sẽ là “cứu tinh” cho doanh nghiệp. Hiện nay, trong lĩnh vực tôn – thép chưa có một doanh nghiệp nào xây dựng được hệ thống phân phối như Hoa Sen. Chỉ cần một “email” được gửi đi thì toàn bộ hệ thống phân phối trên toàn quốc đều được điều chỉnh. Có thể là điều chỉnh về giá cả hoặc đẩy nhanh việc bán hàng tồn kho… Với quy trình kinh doanh khép kín từ nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, HSG đã tạo ra được một chuỗi giá trị gia tăng liên tục và tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu từ 15 – 25%, cao nhất ngành thép Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, đến quý I/2009, thị phần của tôn mạ Hoa Sen chiếm đến 22% của cả nước và đến tháng 5/2009 là 28% và hiện nay là 34%. Ông Vũ nhấn mạnh: “Triết lý kinh doanh của tôi luôn đề cao chất lượng sản phẩm là trọng tâm; lợi ích khách hàng là then chốt; nâng cao đời sống người lao động, đóng góp cho cộng đồng là nghĩa vụ. Vì vậy, HSG tuyệt đối không cho phép hệ thống phân phối tự nâng giá để hưởng chênh lệch, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu”.
Hoạt động bán lẻ là bí quyết để giúp HSG vượt qua khủng hoảng nhanh hơn các doanh nghiệp khác. Vào thời điểm quý IV/2008, khi giá thép nguyên liệu trên thế giới lao dốc, các doanh nghiệp ngành thép chạy đua để xả hàng tồn kho giá cao. Trong khi các doanh nghiệp khác đang loay hoay tìm đường ra vì bị phụ thuộc vào các nhà phân phối, thì HSG thông qua hệ thống bán lẻ của mình đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng. Từ quy định giá “cứng”, HSG đã linh hoạt đưa ra một khung giá “mềm” hơn, tạo tính chủ động cao, đẩy mạnh tốc độ phân phối trong bối cảnh khủng hoảng lúc bấy giờ. “Giá giảm sâu, bán lỗ nhưng doanh thu không giảm, dòng tiền không bị đứt là được. Sau khi bán hết hàng trong kho, chúng tôi đã có lãi trở lại”, ông Vũ cho biết.
Hiện cơ cấu sản lượng tiêu thụ của HSG như sau: 69% thông qua hệ thống chi nhánh phân phối – bán lẻ, 23% kinh doanh nội địa, 4% các công ty con và 4% xuất khẩu. Đối tượng khách hàng chủ yếu của hệ thống chi nhánh phân phối – bán lẻ là người tiêu dùng cuối cùng với nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa, ít chịu ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tín dụng.
Do vậy, sản lượng tiêu thụ của HSG qua kênh phân phối này khá ổn định. Với phần mềm quản lý bán hàng hiện đại, vào cuối giờ chiều mỗi ngày, cán bộ điều hành của Hoa Sen đều nhận được số liệu chi tiết về lượng hàng bán trong ngày, chủng loại hàng nào, lượng tiền mặt thu về, lợi nhuận trong ngày được bao nhiêu. Với Hoa Sen, dòng tiền khép kín như mạch máu của cơ thể, bán bao nhiêu hàng thu tiền về bấy nhiêu nhờ hệ thống bán lẻ.
Tạo thế phát triển liên hoàn
Hiện HSG đang đẩy mạnh kênh xuất khẩu với sản lượng dồi dào bổ sung từ nhà máy Tôn Hoa Sen – Phú Mỹ và dự kiến sẽ nâng sản lượng xuất khẩu lên khoảng 20 – 30% so với mức 4% hiện nay. Sản phẩm của HSG đã xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Australia là những thị trường khó tính nhất thế giới. HSG tin tưởng sẽ đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của thị trường các quốc gia khác. Xuất khẩu của HSG trong tháng 2/2010 đạt 4.280 tấn, một con số rất khả quan so với tổng sản lượng xuất khẩu khoảng 6.300 tấn trong cả niên độ tài chính 2008 – 2009.
Với tốc độ tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ và thị phần như trong thời gian qua – gần nhất là tăng 7% thị phần từ mức 21,3% trong năm 2008 lên 28,6% trong năm 2009 – HSG hoàn toàn có khả năng thực hiện kế hoạch tiêu thụ đã đề ra trong niên độ tài chính 2009 – 2010 để tiếp tục khẳng định vị thế số 1 của mình tại thị trường tôn mạ Việt Nam.
Những dự án HSG đã triển khai như: dự án nhà máy Thép cán Nguội Hoa Sen tại Bình Dương, dự án công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hoa Sen, dự án cảng biển quốc tế Hoa Sen – Gemardept, dự án nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, dự án cao ốc Phố Đông – Hoa Sen Tại dự án nhà máy Tôn Hoa Sen – Phú Mỹ, hiện đã hoàn tất các dự án gồm 1 dây chuyền sản xuất thép dày mạ kẽm công nghệ NOF công suất 450.000 tấn/năm, 1 dây chuyền mạ màu công suất 180.000 tấn/năm, 5 dây chuyền thép cán nguội có tổng công suất 1 triệu tấn/năm, 1 dây chuyền tẩy rỉ, các dây chuyền phụ trợ và hệ thống nhà xưởng với tổng vốn đầu tư tài sản cố định 2.321 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, giai đoạn đầu của dự án gồm dây chuyền thép dày mạ kẽm công nghệ NOF, dây chuyền mạ màu với tổng vốn đầu tư tài sản cố định 450 tỷ đồng đã đi vào hoạt động và chính thức đưa ra thị trường những sản phẩm đầu tiên vào ngày 16.03.2010. Hiện nay Hoa Sen Group đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối của dự án nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ của dây chuyền nhà máy Thép cán nguội, dây chuyền mạ kẽm mỏng…
Ông Phạm Văn Trung, Phó tổng giám đốc HSG cho biết: “Kế hoạch trong vài ba năm nữa chúng tôi sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD từ sản xuất và phân phối các mặt hàng tôn thép, ống thép, ống nhựa, vật liệu xây dựng, bất động sản, cảng biển… Phương thức kinh doanh đã có, vấn đề là quyết sách trong từng thời điểm để thực hiện mục tiêu”.
Hợp tác vì tương lai
Phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai, HSG đã có hợp tác chiến lược giữa với các đối tác trên nhiều lĩnh vực: Đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, cung ứng tín dụng và góp vốn đầu tư.
Ở lĩnh vực cung ứng tín dụng, Hoa Sen Group đã ký kết hợp đồng tín dụng dài hạn trị giá 450 tỷ đồng với nhóm ngân hàng đồng tài trợ bao gồm: Ngân hàng Vietcombank – chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương, chi nhánh Vũng Tàu và ngân hàng Eximbank nhằm tài trợ vốn đầu tư cho dự án 2 dây chuyền thép cán nguội có tổng công suất 400.000 tấn/năm trong khuôn khổ dự án nhà máy Tôn Hoa Sen – Phú Mỹ. Theo hợp đồng này, thời hạn vay là 72 tháng, trong đó thời gian ân hạn gốc là 15 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hoa Sen Group và Tập đoàn STIC Investment ngày 04.03.2010 tại khách sạn InterContinental
Với định hướng mở rộng sản xuất trong năm 2010, HSG còn ký hợp tác về góp vốn đầu tư với công ty quản lý tài sản hàng đầu tại Hàn Quốc – STIC Investments Inc., công ty cổ phần Chứng khoán FPT và công ty cổ phần Quản lý quỹ Bông Sen. Đây là những đối tác đã nhận ra giá trị và tiềm năng phát triển của Hoa Sen và đã cam kết đồng hành với sự phát triển đó. Kết hợp cùng năng lực, kinh nghiệm cũng như quy trình quản lý chuẩn hóa cao trong lĩnh vực tài chính, các đối tác này sẽ giúp Hoa Sen tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao vị thế và hình ảnh của tập đoàn trong và ngoài nước. Theo thỏa thuận, HSG đã thực hiện phát hành 11.961.500 cổ phần riêng lẻ cho 3 tổ chức này với trị giá 538 tỷ đồng. Số tiền này được HSG đầu tư mở rộng năng lực sản xuất. Triển khai các dự án tiếp theo tại Hoa Sen.
Đồng thời, HSG cũng ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Tp. HCM trong lĩnh vực đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực và nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật. Theo đó, Đại học Quốc gia Tp. HCM đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công nhân viên theo yêu cầu của HSG. Đồng thời phối hợp với Hoa Sen Group nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất kinh doanh…
Ông Lê Phước Vũ khẳng định sự kiện này đánh dấu bước tiến mới của HSG trong định hướng phát triển kinh doanh kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới 2008 – 2009.
(Theo Phương Diệp, trích từ Vnbusiness.vn ngày 10/08/2010