TÔN HOA SEN – Mái che ân tình
- Chương trình “Mái ấm gia đình Việt” sẽ có mặt tại Hà Nam để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
- Sở Xây dựng Bình Định cùng hai nghiệp đoàn Pháp tham quan chính thức Nhà máy Ống nhựa Hoa Sen
- Mái ấm gia đình Việt ghi hình tại Đắk Lắk: Tiếp tục hành trình mang yêu thương về các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
GIANG PHONG (thực hiện)
DLTL: Doanh nhân Lê Phước Vũ (ảnh) – người sáng lập Tập đoàn Hoa Sen. Hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen và Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư & Du lịch Hoa Sen tại tỉnh Lâm Đồng. Với ý chí và quyết tâm làm giàu chân chính cùng với sự gia hộ của Tam Bảo, Phật tử Hoằng Lược (pháp danh của Lê Phước Vũ) đã sớm trở thành doanh nhân thành đạt. Nhưng danh vọng, tiền tài không làm cho doanh nhân Lê Phước Vũ quên mình là một người Phật tử. Ông đã khéo léo áp dụng lời Phật dạy vào trong công việc để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với xã hội, mà vẫn có đủ thời gian để trưởng dưỡng đời sống tâm linh. Trong những ngày bận rộn cuối năm, doanh nhân Lê Phước Vũ vẫn dành cho DLTL buổi trò chuyện hầu chia sẻ những trải nghiệm trong kinh doanh cũng như trong đời sống tâm linh của chính mình.
DLTL: Đầu tiên, xin ông chia sẻ về quá trình “khởi nghiệp” của ông cũng như hành trình phát triển bền vững của Tập đoàn Hoa Sen.
Doanh nhân Lê Phước Vũ: Ba Mẹ tôi là người gốc Quảng Nam, nhưng sinh tôi ra tại Quy Nhơn – Bình Định, vào năm 1963. Từ năm 1975, tôi trở về quê nội tại Gò Nổi – Điện Bàn – Quảng Nam. Đến năm 1979, tôi theo tại trường Trung cấp giao thông tại Phú Tài – Bình Định. Trong giai đoạn đó, tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn đạt kết quả học tập xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp – điều mơ ước của nhiều bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, tôi đã từ chối bởi cơ chế đãi ngộ lúc đó khó có thể cho phép tôi đỡ đần gia đình.
Ra trường, tôi được điều động vào Nam công tác. Lúc bấy giờ, tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Hai năm đầu, tôi làm công tác điều hành và quản lý đội xe và có lúc trực tiếp ra lái xe cho một công ty vận tải ở Tây Ninh. Hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn, hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn đẩy vợ chồng tôi lên Buôn Ma Thuột thử lập nghiệp vào những năm cuối thập niên 80. Nhưng hy vọng cũng nhanh chóng tàn lụi sau 2 tháng. Trở lại Sài Gòn hoàn toàn trắng tay, tôi phải ở nhờ nhà một người thân. Sau đó, may nắm được nhận làm lái xe cho Công ty xuất nhập khẩu Gò Vấp. Có lẽ, trong khoảng thời gian ấy đã giúp tôi có được sự trải nghiệm của một người nghèo khổ, thiếu tiền bạc và hun rèn ý chí làm giàu. Sau đó tôi được mời làm quản đốc Công ty Gỗ Đức Thành (tiền thân của Công ty Cổ phần Gỗ Đức Thành hiện nay). Trong thời gian này, như một sự sắp đặt sau khi mở lòng chia nữa gói xôi cho một một người ăn xin, thì tôi nhận được thông điệp sẽ có một số vốn từ nước ngoài giúp tôi làm ăn. Và đúng như vậy, khoảng 3 năm sau tôi làm đại lý cho một Công ty liên doanh với nước ngoài với số hàng được bán trả chậm, trị giá 50 triệu đồng nhưng trong khi đó tôi chỉ có hai chỉ vàng và 2 trăm ngàn đồng.
Đến năm 1997, nhận ra cửa hàng kinh doanh tôn hoạt động không còn hiệu quả, tôi nghĩ đến chuyện sản xuất với việc mở một xưởng cán tôn. Bên cạnh việc mua máy móc thiết bị thanh toán trả góp, tôi phải cạnh tranh với rất nhiều công ty khác, thậm chí nhiều lúc xưởng sản xuất ngấp nghé bờ vực phá sản. Chính chữ “nhẫn” học từ đạo Phật đã giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn, yếu lòng. Dần dần, xưởng thu hút được khách hàng, hoạt động kinh doanh ngày càng thuận lợi, tôi tính chuyện mở rộng, thành lập thêm nhiều xưởng cán tôn khác.
Đến năm 2001, tôi đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, vỏn vẹn 22 nhân viên. Từ một công ty nhỏ, sau 10 năm thành lập, giờ đây Hoa Sen đã vững vàng với vị thế một Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm về tôn. Hiện nay, Tập đoàn Hoa Sen đã chiếm được khoảng 38% thị phần nội địa. Doanh số năm nay 2011, chúng tôi đạt khoảng 8.200 tỷ đồng. Và Tập đoàn Hoa Sen là đơn vị đứng đầu trong việc xuất khẩu về ngành tôn của khu vực Đông Nam Á.
DLTL: Là một Phật tử đã quy y Tam bảo, vậy giáo lý nhà Phật đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống và quá trình kinh doanh của ông?
Doanh nhân Lê Phước Vũ: Tôi rất may mắn vì đã giác ngộ Phật giáo trước khi làm kinh doanh. Điều đó đã khơi dậy trong tôi sự tỉnh giác trong kinh doanh cũng như trong đời sống. Khi đặt tên cho doanh nghiệp mình, tôi đã nghĩ đến hình ảnh hoa sen, là loài hoa biểu trưng cho sự tinh khiết, biểu tượng của Phật giáo. Như các bạn thấy, trên logo của Tập đoàn Hoa Sen có hai màu rất rõ, đó là màu vàng và màu nâu sẫm. Màu vàng tượng trưng cho Đức Phật và Đạo Phật, màu nâu là màu tượng trưng cho chiếc áo của các vị tu sĩ Phật giáo. Trong logo là hình hoa sen có tám cánh, tượng trưng cho Bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh tuệ), dưới hình hoa sen là hai bàn tay đưa lên biểu hiện cho sự nâng nui, trân trọng. Ngày thành lập công ty của chúng tôi là ngày 8/8/2001, và cũng là ngày vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm (19/6 âm lịch). Nói như vậy để khẳng định rằng, giáo lý Phật giáo ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của cá nhân tôi cũng như các thành viên trong Tập đoàn Hoa Sen.
Tôi cũng thường nghe các vị sư tụng kinh, có câu: “Nam mô thập phương thường trụ Tam bảo”, như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo luôn thường trụ trên thế gian này, nếu chúng ta sống và làm việc theo lời Phật dạy thì chúng ta luôn nhận được sự gia hộ. Tôi luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào điều này. Và sự thành công của tôi như ngày hôm nay phần lớn là tin vào Tam bảo thường trụ. Vấn đề ở chỗ là chúng ta bắt đầu làm điều này như thế nào? Trước tiên, chúng ta phải có đức tin chân chính và thực hành đức tin một cách chí thành dựa trên lòng từ bi, vị tha và vô ngã của đạo Phật. Bản thân tôi cũng đã và đang cố gắng thực hành những lời Phật dạy để áp dụng vào đời sống cũng như trong kinh doanh.
DLTL: Để có được thành quả như ngày nay, chắc hẳn ông đã và đang trải nghiệm một giá trị tinh thần rất lớn, như ông từng nói, là lòng vị tha, vô ngã của Phật giáo. Ông có thể chia sẻ thêm…
Doanh nhân Lê Phước Vũ: Giáo lý vô ngã, vị tha là mục tiêu lớn của người học Phật và làm theo lời Phật. Một con người sanh ra trên đời này, mang thân xác phàm phu với nhiều dục tâm khác nhau. Sự mong cầu về cái ăn, mặc, ở, hưởng thụ, rồi phải có tiền bạc, danh vọng… và đó là “dục tâm” trong mỗi chúng sanh. Nó chỉ khác ở chỗ, ta nhận diện dục tâm đó ở mức độ nào, nhận diện được bản chất đời sống này thế nào? Bởi vô minh che lấp nên con người chỉ biết những gì diễn ra trước mắt, hoặc giàu, nghèo, sung sướng, hạnh phúc, đau khổ, phiền não… mà không đủ tuệ giác để nhận diện bản chất của cuộc sống. Đức Phật đã giác ngộ ra điều đó và Ngài đưa ra những phương pháp để hóa giải. Cá nhân tôi hiểu đạo Phật cũng để nhận diện bản chất của cuộc đời. Chúng ta chỉ biết sống bằng cảm xúc của chính bản thân và quên đi phần tâm linh vốn có trong mỗi con người. Tôi nghĩ rằng, đời sống con người là một thực thể của tâm linh và không nằm ngoài tâm linh. Do đó, chúng ta luôn luôn tỉnh giác về điều này, để hóa giải dần những cái khổ và những nguyên nhân dẫn đến sự khổ đau.
Là doanh nhân Phật tử, tôi tin tuyệt đối vào luật nhân quả. Ở đời này, chúng ta gieo nhân nào thì sẽ nhận được quả đó. Các việc làm không thể nào ngoài nhân quả. Những doanh nhân đời này là những người có phước báu đời trước nên phải biết được mình đã gieo những nhân lành như thế nào. Cái nhân giàu có đời này chính nhờ sự bố thí của đời trước. Nói cách khác hơn, tôi cũng như các doanh nhân khác đã từng làm những công việc giúp đỡ mọi người, bố thí cho mọi người, đã cúng dường cho những bậc thầy về tâm linh. Chúng ta có được của cải, sự nghiệp như hôm nay là nhờ nhiều đời nhiều kiếp chúng ta tích tụ được nhân tốt và như thế cho đến đời này được quả báo tốt.
Ngày nay, ở xã hội có rất nhiều doanh nhân thành công. Mỗi doanh nghiệp đều có mức độ phát triển khác nhau mà theo tôi tất cả đều không nằm ngoài luật nhân quả. Phước chúng ta bao nhiêu thì chiêu cảm quả báo đến với chúng ta bấy nhiêu. Nếu kiếp trước hoặc đời này, chúng ta tạo nhiều duyên đức thì chắc chắn chúng ta được chiêu cảm duyên đức ấy. Và, nếu chúng ta tiếp tục làm thăng hoa đời sống hướng thượng, chúng ta sống biết thực hành đúng chánh pháp, sống biết chia sẻ đến mọi người, cùng nhau an trú trong tỉnh giác thì đời sống của chúng ta mới thực sự có ý nghĩa và thực sự hạnh phúc khi chúng làm được những điều tốt lành cho mọi người.
Trong tiêu chí hoạt động của Tập đoàn Hoa Sen, chúng tôi làm việc dựa trên 3 nền tảng giá trị cốt lõi: Trung thực – Cộng đồng – Phát triển, đó cũng là nguyên tác kinh doanh theo quan điểm của Phật giáo. Trung thực tức là thực hiện đúng với chánh nghiệp, đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm. Cộng đồng tức thực hiện tinh thần từ bi vô ngã của đạo Phật. Bên cạnh thành công chốn thương trường, tôi cũng hết sức quan tâm đến sự phát triển của đất nước và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội.
DLTL: Trước những cơ hội và thách thức của thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp cũng như bản thân mỗi doanh nhân phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh khốc liệt. Thế nên, những cám dỗ về lợi nhuận không thể không ảnh hướng đến đạo đức của người làm kinh doanh. Là người có nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, ông nghĩ sao về điều này?
Doanh nhân Lê Phước Vũ: Có thể nói, trong kinh doanh, doanh nhân ví như một vị tướng ở chiến trường. Doanh nhân chân chính thực sự là người dấn thân. Vì sao nói như vậy? Đầu tiên là công việc gia đình, làm sao để chu toàn hạnh phúc gia đình, đó là trách nhiệm, là quyền thiêng liêng của con người trong xã hội. Kế đến là công việc kinh doanh, làm sao để lèo lái con thuyền doanh nghiệp đi trên nền tảng “chánh nghiệp” trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập? Đó thực sự là một gánh nặng.
Tôi từng thức trắng nhiều đêm để suy nghĩ những gì mình đã làm, đang làm và sẽ làm. Làm sao trong đời sống cạnh tranh khốc liệt như hiện nay mà ta vẫn giữ tâm bình thản? Và, tôi nghiệm ra một điều rằng mình nên thực hành pháp “thiểu dục”. Tôi lấy thí dụ, từ năm 2008 đến nay, xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những bất ổn về vĩ mô kinh tế thế giới làm ảnh hướng xấu đến nền kinh tế Việc Nam. Từ đó khiến chúng ta phải ngồi lại để nhìn lại mình. Tôi nghĩ trước kia thị trường bất động sản tăng đột biến, thị trường chứng khoán ồ ạt leo thang, mỗi người chỉ cần Yes hay No là kiếm được vài trăm triệu và có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bây giờ, chúng ta thấy nhiều doanh nghiệp vỡ nợ, rồi đi đến phá sản… Nguyên nhân do đâu? Câu trả lời ở chỗ, vì chúng ta quá tham lam!
Tôi xin nêu một thí dụ, sau cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới trong năm 2008 và kéo dài trong bốn năm liền, có một đoàn giáo sư đại học kinh tế hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam dự hội thảo. Có nhiều câu hỏi đặt ra: các ông là những người rao giảng về kinh tế trên toàn cầu mà sao các ông lại để nước Mỹ xảy ra khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới? Vị giáo sư mới trả lời rằng, vì những người nắm tài chính ở nước Mỹ họ quá tham lam, những nhà kinh doanh, những ông chủ tài chính quá tham lam! Như vậy, nguyên nhân xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 chính do lòng tham. Vậy nên, đây là lúc mà chúng ta phải tỉnh táo để nhìn lại mình. Chúng ta phải nhìn lại để biết thiểu dục. Chúng ta phải thực sự tỉnh giác trong việc kiếm tiền, tạo ra tài sản và sử dụng đồng tiền như thế nào. Làm sao kiểm soát được điều đó? Điều này cũng thật khó, khó là ở kiểm soát được lòng tham! Có đôi lúc tôi cũng không kiểm soát được chính mình nhưng vì có niềm tin lớn đối với Tam bảo mà tự mình thực hành những hạnh nguyện đúng chánh pháp để hóa giải lòng tham trong kinh doanh. Có như vậy, tôi mới đạt được tâm an định, để không bị những cám dỗ.
Doanh nhân cũng là đối tượng dễ bị cám dỗ. Những cám dỗ lại diễn ra hàng ngày. Trong kinh tế, chúng ta thấy được những xu hướng, các hiện tượng không tốt đang tiếp diễn, nhưng vì chúng ta vô trách nhiệm, vì cá nhân chúng ta mà không vì cái chung. Và vì chúng ta quá tham lam cho nên mới dẫn đến những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trên thế giới, dẫn đến sự bế tắc, nghèo khổ, tuyệt vọng khiến dân chúng lâm vào khó khăn. Chúng ta chỉ cần bớt tham lam một chút, có trách nhiệm một chút trên tinh thần vô ngã, không phải vì ta mà vì mọi người thì thế giới này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
DLTL: Nhiều người cho rằng, có hai tính cách đối lập trong con người ông, đó là sự khát khao mãnh liệt của một nhà kinh doanh và đức điềm tĩnh của một người thực hành Bồ tát đạo.Ông nghĩ sao về điều này?
Doanh nhân Lê Phước Vũ: Tôi và các đồng nghiệp, cũng như những doanh nhân khác đang phải đối mặt với có mọi thách thức trong kinh doanh, nói cách khác là đang trả nghiệp, chúng tôi cũng phải chịu mọi phiền não, đau khổ của cuộc đời. Kinh doanh thì phải cạnh tranh, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập. Để tồn tại là cả một nỗ lực tột bậc, huống hồ gì là một doanh nghiệp lớn như Hoa Sen hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi phải thực hành pháp để mong được sự gia hộ. Bằng sự mạnh mẽ quyết liệt của tôi cũng như các thành viên để duy trì được Tập đoàn Hoa Sen tồn tại và phát triển, bền vững. Từ đó chúng tôi cố gắng thành tựu các Ba-la-mật, bằng cách tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người, tức là hàng ngàn gia đình và sự gởi gắm lòng tin của hàng ngàn cổ đông là những người đã đầu tư vào Hoa Sen. Vấn đề làm sao chúng tôi đứng vững mà phải làm ăn chân chính, phải đúng pháp luật, phải trung thực, minh bạch và phải có trách nhiệm. Tất nhiên, vẫn còn những khiếm khuyết nhưng về cơ bản chúng tôi đã làm được điều đó.
Cuộc sống vốn rất nhiều áp lực. Có những lúc mình tự kiểm soát được mình, có đôi lúc mình quên đi, thiếu kiểm soát do cảm xúc lôi kéo. Những lúc ấy, tôi thường nghĩ về đạo Phật, về đức Phật và nghĩ đến đức Quán Thế Âm Bồ tát, nghĩ đến những lời dạy của Ngài, nghĩ đến các vị Thiên long Bát bộ, Hộ pháp. Khi chúng ta tinh cần thực hành như vậy thì chúng ta sẽ điều chỉnh dần hành vi và suy nghĩ của mình, để giữ tâm thức chúng ta đủ định lực vượt qua tất cả những chướng duyên, nghiệp lực. Để thực hành điều này, cần có sự nỗ lực rất lớn, đặc biệt là trong hoàn cảnh có nhiều nghịch duyên và nhiều cám dỗ. Tóm lại, đã là con người, chúng ta phải giải quyết được những vấn đề căn bản nhất của con người, làm việc gì phải hết sức nhiệt thành và trung thực, nhất là trong kinh doanh, sau đó là quá trình tịnh hóa tâm thức để chuyển hóa tâm linh.
DLTL: Rất nhiều người biết đến ông là đệ tử tại gia của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, bậc chân tu về pháp môn Tịnh độ. Tuy nhiên, theo chúng tôi biết, ông đang hành trì pháp môn Mật tông mà đức Pháp vương Gyalwang Drukpa là một trong những vị thầy tâm linh của ông. Ông lý giải sao về điều này?
Doanh nhân Lê Phước Vũ: Giáo lý Phật giáo mênh mông như biển lớn, rất màu nhiệm và khế hợp với mọi căn cơ của chúng sanh. Trong đạo Phật có rất nhiều pháp môn tu, pháp môn nào cũng cao quý cả. Theo tri kiến của bản thân tôi, pháp môn tu Tịnh độ là một trong những pháp môn tu cao quý nhất. Chúng ta không được xem nhẹ. Người thực hành pháp môn Tịnh độ ít gặp chướng nghiệp, dễ thực hành. Nếu nói pháp môn nào rộng độ cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi thì chỉ có pháp môn Tịnh độ mới làm được điều đó. Đặc biệt là phù hợp với căn cơ của người Việt Nam. Cá nhân tôi rất quý pháp môn Tịnh độ. Hiện nay và sau này Pháp môn Tịnh độ là pháp môn thực hành chính của tôi.
Còn nhân duyên dẫn dắt tôi đến với đức pháp vương Drukpa hay những bậc thầy tâm linh khác đều là sự “tái ngộ” của nhiều duyên kiếp trước. Chúng ta đang chịu nghiệp báo trong vòng sanh tử luân hồi. Trong nhiều đời, mỗi chúng ta có thể là cha mẹ, anh em, bạn bè thân thuộc, hay nhiều kiếp chúng ta đã là Phật tử, được sinh ra ở nhiều quốc độ khác nhau, đã có nhiều bậc thầy hướng dẫn tâm linh khác nhau… đời này khi nhân duyên hội đủ thì gặp lại nhau. Và, nhân duyên dẫn dắt tôi đến với đức pháp vương cũng là sự “tái hội” sau nhiều đời, nhiều kiếp. Điều này không nằm ngoài sự vận hành của nhân duyên và nghiệp báo. Và tôi luôn trân trọng tất cả pháp môn mà quý Phật tử và các hành giả các đang hành trì!
DLTL: Được biết, gần đây ông tập trung đầu tư vào một dự án trồng rừng và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ông có nghĩ sẽ mở rộng đầu tư và phát triển theo hướng du lịch tâm linh?
Doanh nhân Lê Phước Vũ: Tôi là một người thích núi. Cách đây gần 20 năm, tôi tình cờ đi ngang qua huyện Đạ Huoai ở Lâm Đồng, thấy một hòn đá trên ngọn núi rất lớn giống như một cái sừng, và tôi rất thích thú khi ngắm nhìn phong cảnh nơi đây. Và, không hiểu vì sao, 20 năm sau tôi được tỉnh Lâm Đồng giao chúng tôi khoảng 500ha để làm dự án trồng rừng và du lịch sinh thái.
Đây cũng là một nhân duyên rất lớn để tôi khởi đầu cho sự chuẩn bị cuộc hành trình thứ hai của đời này. Trước tiên, chúng tôi phải làm đúng những gì Nhà nước tín nhiệm giao phó và tuân thủ đúng pháp luật quy định. Đối với việc phát triển ngành du lịch tâm linh, theo tôi nơi nào mà con người thực hành Phật pháp, có đạo tâm, chuyên tâm thực hành hạnh vô ngã và vị tha thì ở đó có tâm linh. Không chỉ tâm linh của con người mà còn là tâm linh của pháp giới. Đất nước Việt Nam mang hình chữ S là đất nước tâm linh, cho nên cũng có những vùng đất linh thiêng, hay địa lý rất đặc biệt, chúng ta phải tôn trọng những gì thiêng liêng và tương tác giữa trời, đất và con người. Chúng ta sống phải biết khế hợp với quy luật thiên nhiên thì chúng ta mới được tồn tại và phát triển. Tôi tin rằng, nơi tôi đang đầu tư dự án trồng rừng và phát triển du lịch sinh thái là nơi hội đủ những điều ấy.
DLTL: Nếu nói một câu ngắn ngọn về ông thì sẽ diễn đạt trong bao nhiêu từ?
Doanh nhân Lê Phước Vũ : Tôi rất tâm đắc một bài thơ của một bạn đã tặng tôi:
“Thế giới như không hoa.
Thế gian dường như mộng
Tuy biết rằng tịch diệt
Vẫn khởi đại bi tâm”
DLTL: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này! Kính chúc ông sức khỏe, vui hưởng một mùa xuân an lành và tràn đầy ý nghĩa.