THẤY GÌ TỪ CÁC DỮ KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ĐIỀU TRA CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI VỚI THÉP CÁN NÓNG NHẬP KHẨU TỪ TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ?

Ngày 19/3/2024, Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào Việt Nam. Vụ việc này đã làm dấy lên làn sóng phản đối là liệu Hòa Phát có đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất HRC trong nước để nộp đơn yêu cầu điều tra, và hồ sơ yêu cầu điều tra có đáp ứng các quy định pháp lý hay không?

Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát có đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước để nộp đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ hay không?

Theo Dữ liệu Hải quan, các công ty con do Hòa Phát sở hữu và có quyền kiểm soát gần như tuyệt đối (hơn 99,9%) đã nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết tháng 3 năm 2024 với lượng nhập khẩu ngày càng tăng. Cụ thể, lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc của các công ty con của Hòa Phát trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 9.776 tấn và 305.400 tấn, tăng 295.624 tấn, tăng 3024% so với năm 2022. Trong 03 tháng đầu năm 2024, các công ty con của Hòa Phát tiếp tục nhập khẩu 140.065 tấn HRC từ Trung Quốc, tăng 30.528 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Chi tiết như sau:

Nguồn: Dữ liệu Hải quan

Khoản 1 Điều 69, Khoản 1 Điều 70 của Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14 (Luật QLNT 2017), Khoản 1 Điều 5 Nghị định 10/2018/NĐ-CP (Nghị định 10/2018) về định nghĩa “ngành sản xuất trong nước”, và Điều 4, Hiệp định Chống bán phá giá của WTO (WTO ADA) đều nêu rõ rằng: Tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước có quyền nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà sản xuất trong nước trực tiếp nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc có mối quan hệ với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra thì nhà sản xuất này có thể KHÔNG được xem là nhà sản xuất trong nước.

Như vậy, Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát không đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước để nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vì Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát có mối quan hệ với các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết tháng 3 năm 2024.

Theo quy định tại Ghi chú số 17, trang 27, Phụ lục A của WTO ADA, Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát cũng không nằm trong trường hợp vẫn được xem là đại diện hợp pháp của ngành sản xuất trong nước dù có nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vì (1) các mác thép HRC mà các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc đều là các chủng loại HRC phổ biến và hoàn toàn nằm trong năng lực sản xuất của Hòa Phát, và (2) khi so sánh lượng HRC do các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc và lượng HRC do Hòa Phát bán tại Việt Nam, tỷ lệ của năm 2023 là 19% và 03 tháng đầu năm 2024 là 30%. Đây là tỷ lệ rất cao. Chi tiết như sau:

Bảng 1: So sánh lượng HRC do các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc và lượng HRC do Hòa Phát bán tại Việt Nam từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/3/2024

Nội dung ĐVT Thuyết minh 01/01/2023 – 31/12/2023 01/01/2024 – 31/3/2024
Lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc của các công ty con của Hòa Phát Tấn [1] 305.400 140.065
Lượng HRC bán nội địa của Hòa Phát Tấn [2] 1.631.804 474.086
Tỷ lệ % [3] = [1]/[2] 19% 30%

Nguồn: Dữ liệu Hải quan, Báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam

Khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết rằng các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ phù hợp với các quy định của WTO. Điều 6, Luật Điều ước quốc tế 2016 cũng nêu rõ rằng: “Điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước: 1. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”. Như vậy, Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của WTO trong quá trình điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu. Căn cứ theo Luật QLNT 2017 và WTO ADA, Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát KHÔNG đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước để nộp đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vì các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu HRC từ Trung Quốc từ năm 2019 đến hết tháng 3/2024.

Một thực tế cần nhấn mạnh là ngay sau khi Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc thì các công ty con của Hòa Phát chấm dứt ngay lập tức việc nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong tháng 5 và tháng 6 năm 2024. Như vậy, chính Hòa Phát cũng tự nhận thức được Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát đã không đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất HRC trong nước để nộp đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ liệu có đáp ứng các quy định pháp lý của Luật QLNT 2017 hay không?

Theo Điều 78, Luật QLNT 2017, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi đáp ứng ĐỦ 03 điều kiện sau đây: (1) Điều kiện 1: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể; (2) Điều kiện 2: Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; và (3) Điều kiện 3: Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Như vậy, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh phải bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể thì hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ mới đáp ứng được các quy định pháp lý của Luật QLNT 2017.

Tuy nhiên, số liệu thực tế về tình hình sản xuất kinh doanh của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết 06 tháng đầu năm 2024 chứng minh rằng ngành sản xuất HRC tại Việt Nam hoàn toàn KHÔNG bị thiệt hại.

  • Không có thiệt hại về sản lượng sản xuất, sản lượng bán hàng và hàng tồn kho

Nguồn: Báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam

Ngành sản xuất HRC Việt Nam hoàn toàn không bị thiệt hại khi sản lượng bán hàng và sản lượng sản xuất HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh có sự tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2019 – 2023 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt là 13,55% và 12,97%. Trong 06 tháng đầu năm 2024, sản lượng bán hàng và sản lượng sản xuất HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh tăng lần lượt là 1% và 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ biểu đồ trên, có thể thấy sản lượng sản xuất luôn ở mức xấp xỉ so với sản lượng bán hàng trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết 06 tháng đầu năm 2024. Điều này chứng tỏ rằng Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất HRC đến đâu bán hết đến đó, hoàn toàn không có chuyện không bán được hàng dẫn đến tăng lượng hàng tồn kho.

Như vậy, hoàn toàn không có thiệt hại đối với ngành sản xuất HRC tại Việt Nam về sản lượng bán hàng, sản lượng sản xuất và hàng tồn kho tính đến hết tháng 6/2024.

  • Không có thiệt hại về hiệu suất sử dụng công suất và nhân công

Bảng 2: Hiệu suất sử dụng công suất của ngành sản xuất HRC Việt Nam từ năm 2022 đến hết tháng 6 năm 2024

Thời gian Công suất

thiết kế (tấn)

[1]

Sản lượng

sản xuất (tấn)

[2]

Hiệu suất sử dụng công suất (%)

[3]=[2]/[1]*100

Tỷ lệ

tăng trưởng

(%)

2022 8.200.000 6.040.398 74%  
2023 8.200.000 6.727.351 82% 11%
06 tháng đầu năm 2023 (*) 4.100.000 3.282.131 80%  
06 tháng đầu năm 2024 (*) 4.100.000 3.425.407 84% 5%

Nguồn: Báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam

(*) Ghi chú: Công suất thiết kế 06 tháng được tính như sau: 8.200.000/12*6 = 4.100.000 tấn/6 tháng.

Về hiệu suất sử dụng công suất: Hiệu suất sử dụng công suất của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 74% và 82%, tỷ lệ tăng trưởng là 11%. Trong 06 tháng đầu năm 2024, hiệu suất sử dụng công suất của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam đạt 84%, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, hoàn toàn không có thiệt hại của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam về hiệu suất sử dụng công suất vì (1) hiệu suất sử dụng công suất ổn định ở mức rất cao là trên 80%, và (2) hiệu suất sử dụng công suất tăng trưởng liên tục từ năm 2022 đến hết 06 tháng đầu năm 2024.

Về nhân công: Không thể có thiệt hại liên quan đến việc cắt giảm lực lượng lao động của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam vì sản lượng sản xuất, sản lượng bán hàng đều tăng trưởng tốt và liên tục trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết 06 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, hiệu suất sử dụng công suất của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam luôn đạt mức rất cao là trên 80% và tăng trưởng liên tục.

  • Không thể có thiệt hại về giá bán

Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đang hưởng lợi rất lớn khi bán HRC cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam khi một số thị trường xuất khẩu đặc thù như Hoa Kỳ và Mexico đang có một số yêu cầu đặc biệt về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu để sản xuất thành phẩm, khiến cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam luôn phải sử dụng và chấp nhận mua HRC có nguồn gốc từ Việt Nam với giá cao để sản xuất các lô hàng xuất khẩu sang 02 thị trường này. Hiểu rõ lợi thế này, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh luôn bán HRC cho các doanh nghiệp Việt Nam với giá cao hơn so với giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc từ 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40 – 50 USD/tấn, thậm chí 90 USD/tấn. Như vậy, hoàn toàn không có chuyện Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bị thiệt hại về giá bán khi bán HRC tại Việt Nam.

Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh có thể viện dẫn 03 lý do sau đây như là “thiệt hại đáng kể” hoặc là yếu tố “đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể” hoặc “ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước” để làm căn cứ nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ: (1) Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh phải giảm giá bán, (2) lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng mạnh, và (3) Formosa Hà Tĩnh thua lỗ 15.700 tỷ đồng trong năm 2023.

Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của 03 vấn đề trên nằm ở đâu?

  • Vì sao Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh phải giảm giá bán?

Giá bán HRC trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó 02 yếu tố chính là: (1) chi phí sản xuất HRC của từng quốc gia; (2) quan hệ cung cầu HRC tại từng thời điểm. Chi phí sản xuất ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau và quan hệ cung cầu HRC trên thế giới thay đổi hàng ngày, dẫn đến giá HRC thế giới biến động hàng ngày. Giá bán HRC thế giới tăng hay giảm là kết quả khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường.

Việc Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh giảm giá bán hoàn toàn phù hợp với diễn biến giá bán HRC của thị trường thế giới và không phải là hệ quả trực tiếp gây ra bởi HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Cho dù Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh giảm giá bán theo diễn biến giá HRC thế giới thì giá bán HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh cho các doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn luôn cao hơn từ 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể cao hơn tới 40 – 50 USD/tấn, thậm chí 90 USD/tấn so với giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc như đã trình bày ở trên.

  • Vì sao lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh?

Lý do “Lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh” liên tục được viện dẫn như là “thiệt hại đáng kể” hoặc là yếu tố “đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể” hoặc “ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước” để Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, nguyên nhân cốt lõi khiến cho lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh nằm ở nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Bảng 3: Tình hình nhu cầu HRC tại Việt Nam và khả năng đáp ứng của các nguồn cung HRC từ năm 2022 đến hết 06 tháng đầu năm 2024

Chỉ tiêu Mã số Năm 2022 Năm 2023 Tăng/giảm 6 tháng đầu năm 2023 6 tháng đầu năm 2024 Tăng/giảm
    [1] [2] [3]=[2]-[1] [4] [5] [6]=[5]-[4]
Tổng nhu cầu HRC (tấn) A = B2+C 11.525.018 11.593.973 68.955 4.992.657 7.429.755 2.437.098
Sản lượng bán hàng HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh (tấn) B = B1+B2 6.192.018 6.808.337 616.319 3.286.582 3.312.675 26.093
Trong đó:        
Xuất khẩu HRC (tấn) B1 1.304.198 3.405.633 2.101.435 1.590.578 1.181.649  -408.929
Tỷ trọng (%) B1/B*100 21% 50% 29% 48% 36% -12%
Bán HRC nội địa (tấn) B2 4.887.820 3.402.704 -1.485.116 1.696.004 2.131.026 435.022
Tỷ trọng (%) B2/B*100 79% 50% -29% 52% 64% 12%
Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu của nguồn cung HRC nội địa (%) B2/A*100 42% 29% -13% 34% 29% -5%
Tổng lượng nhập khẩu HRC (tấn) C = C1+C2 6.637.198 8.191.269 1.554.071 3.296.653 5.298.729 2.002.076
Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu (%) C/A*100 58% 71% 13% 66% 71% 5%
Trong đó:                       
Nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác C1 3.948.383 2.784.724 -1.163.659 1.461.551 1.295.919  -165,632
Nhập khẩu HRC từ Trung Quốc C2 2.688.815 5.406.546 2.717.730 1.835.102 4.002.810 2.167.708

Nguồn: Dữ liệu Hải quan và Báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam

Vì sao Việt Nam phải nhập khẩu HRC?

Nhu cầu HRC của Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 11.525.018 tấn và 11.593.973 tấn. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam hiện nay chỉ là 8,2 triệu tấn/năm. Giả định Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất tối đa công suất và chỉ bán HRC nội địa, không xuất khẩu HRC thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam.

Thực tế, nguồn cung HRC nội địa từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 4.887.820 tấn và 3.402.704 tấn, chỉ đáp ứng được lần lượt là 42% và 29% nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Trong 06 tháng đầu năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, nhu cầu HRC tại Việt Nam lần lượt là 4.992.657 tấn và 7.429.755 tấn, nguồn cung HRC nội địa lần lượt là 1.696.004 tấn và 2.131.026 tấn, chỉ đáp ứng được lần lượt là 34% và 29% nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Trong bối cảnh cung HRC nội địa trong năm 2023 không đáp ứng đủ nhu cầu thì Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh lại tăng sản lượng HRC xuất khẩu so với năm 2022, khiến cho nguồn cung HRC nội địa càng thiếu hụt nghiêm trọng. Từ bảng trên, có thể thấy rằng tổng lượng bán HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 6.192.018 tấn và 6.808.337 tấn. Trong đó, sản lượng HRC xuất khẩu của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong năm 2022 và 2023 tăng mạnh, lần lượt là 1.304.198 tấn và 3.405.633 tấn. Năm 2022, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chỉ xuất khẩu HRC với sản lượng chiếm 21% tổng sản lượng bán hàng HRC thì đến năm 2023, tỷ trọng này đã tăng lên đến 50%.

Vì Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh tăng sản lượng HRC xuất khẩu nên sản lượng HRC bán tại thị trường nội địa trong năm 2022 và năm 2023 đã giảm mạnh, lần lượt là 4.887.820 tấn và 3.402.704 tấn, giảm 1.485.116 tấn. Trong năm 2022, sản lượng HRC bán tại thị trường nội địa của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chiếm 79% tổng sản lượng bán hàng thì đến năm 2023, tỷ trọng này chỉ còn 50%.

Như vậy, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đã tăng lượng xuất khẩu HRC khiến cho nguồn cung HRC nội địa vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam lại càng thiếu hụt nghiêm trọng hơn nữa. Do đó, Việt Nam tất yếu phải nhập khẩu HRC để đáp ứng đủ nhu cầu.

Vì sao lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam tăng trong năm 2023?

Từ bảng trên, có thể thấy tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam năm 2022 và 2023 lần lượt là 11.525.018 tấn và 11.593.973 tấn, tăng 68.955 tấn trong năm 2023. Tuy nhiên, lượng HRC mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam tại thị trường nội địa trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 4.887.820 tấn và 3.402.704 tấn, giảm mạnh 1.485.116 tấn trong năm 2023. Trong khi tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam trong năm 2023 tăng 68.955 tấn so với năm 2022, nguồn cung HRC nội địa trong năm 2023 giảm 1.485.116 tấn so với năm 2022, thì lượng HRC nhập khẩu tất yếu phải tăng 1.554.071 tấn (= 68.955 tấn + 1.485.116 tấn) để đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Vì sao lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng trong năm 2023?

Hiện nay, các quốc gia khác như Ấn Độ ban hành chính sách giảm sản lượng thép xuất khẩu. Do đó, lượng HRC từ các quốc gia khác nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh. Cụ thể, lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 3.948.383 tấn và 2.784.724 tấn, giảm 1.163.659 tấn. Do đó, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam BẮT BUỘC phải tăng cường nhập khẩu HRC từ Trung Quốc để: (1) đáp ứng nhu cầu tăng nhập khẩu 1.554.071 tấn HRC do cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu như đã trình bày ở trên, và (2) bù đắp cho mức giảm nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là 1.163.659 tấn. Hệ quả tất yếu là lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong năm 2023 đã tăng 2.717.730 tấn (= 1.554.071 tấn + 1.163.659 tấn) so với năm 2022 để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Theo quy luật cung cầu của thị trường, quốc gia nào sản xuất được HRC chất lượng tốt với giá bán hợp lý sẽ xuất khẩu được nhiều HRC hơn các quốc gia khác. Trong năm 2023, HRC do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường.

Vì sao lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam tăng trong 06 tháng đầu năm 2024?

Tình trạng cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu tiếp tục diễn ra trong 06 tháng đầu năm 2024. Trong 06 tháng đầu năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, nhu cầu HRC lần lượt là 4.992.657 tấn và 7.429.755 tấn, tăng 2.437.098 tấn so với 06 tháng đầu năm 2023. Điều này hoàn toàn là bình thường vì nhu cầu thép trong năm 2024 tăng so với năm 2023 là điều đã được dự báo từ trước, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong chính sách cho thị trường bất động sản; các địa phương, bộ, ngành đồng loạt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông, từ đó góp phần thúc đẩy sản lượng thép tiêu thụ trong nước, dẫn đến nhu cầu sử dụng nguyên liệu HRC tăng.

Tuy nhiên, số lượng HRC mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán tại thị trường nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam. Cụ thể, nguồn cung HRC nội địa trong 06 tháng đầu năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 1.696.004 tấn và 2.131.026 tấn, tăng nhẹ 435.022 tấn so với 06 tháng đầu năm 2023. Nguồn cung HRC nội địa trong 06 tháng đầu năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 chỉ đáp ứng được lần lượt là 34% và 29% tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam, giảm 5% so với 06 tháng đầu năm 2023.

Thực trạng nguồn cung HRC nội địa hiện không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam còn thể hiện qua việc mặc dù Hòa Phát là 01 trong 02 nhà sản xuất HRC tại Việt Nam nhưng các công ty con của Hòa Phát vẫn phải nhập khẩu HRC từ Trung Quốc với số lượng lớn và ngày càng tăng tính đến hết tháng 03/2024. Từ đó, có thể thấy rằng nguồn cung HRC của Hòa Phát không đáp ứng đủ nhu cầu HRC của chính các công ty con của Hòa Phát, buộc các công ty con này phải nhập khẩu HRC từ Trung Quốc. Điều này càng khẳng định rằng nguồn cung HRC nội địa hiện không thể đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam trong 06 tháng đầu năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 3.296.653 tấn và 5.298.739 tấn, tăng 2.002.076 tấn so với 06 tháng đầu năm 2023 là tất yếu vì trong khi tổng nhu cầu HRC trong 06 tháng đầu năm 2024 tăng 2.437.098 tấn so với 06 tháng đầu năm 2023, nguồn cung HRC nội địa chỉ tăng 435.022 tấn, thì lượng HRC nhập khẩu tất yếu phải tăng 2.002.076 tấn (= 2.437.098 tấn – 435.022 tấn) để đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Vì sao lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng trong 06 tháng đầu năm 2024?

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác giảm 165.632 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Do đó, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bắt buộc phải tăng cường nhập khẩu HRC từ Trung Quốc để: (1) đáp ứng nhu cầu tăng nhập khẩu 2.002.076 tấn HRC do nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu, và (2) bù đắp cho mức giảm nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là 165.632 tấn. Hệ quả tất yếu là lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong 06 tháng đầu năm 2024 đã tăng 2.167.708 tấn (= 2.002.076 tấn + 165.632 tấn) so với 06 tháng đầu năm 2023 để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Như vậy, lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng là điều tất yếu vì (1) nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại việt nam, và (2) các quốc gia khác giảm xuất khẩu HRC vào Việt Nam.

  • Vì sao Formosa Hà Tĩnh thua lỗ?

Theo https://cafef.vn/thep-formosa-ha-tinh-lo-gap-doi-len-gan-16000-ty-dong-trong-nam-2023-6t2024-khien-ha-tinh-giam-thu-gan-70-mot-loai-thue-lon-188240708090908185.chn, Formosa Hà Tĩnh vừa báo lỗ 15.700 tỷ đồng trong năm 2023.

Tuy nhiên, khoản thua lỗ này của Formosa Hà Tĩnh hoàn toàn không phải là hệ quả trực tiếp gây ra bởi việc nhập khẩu HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ. Nguyên nhân khiến cho Formosa Hà Tĩnh thua lỗ trong năm 2023 là vì Formosa Hà Tĩnh đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cảng biển, các công trình phụ trợ, đất cho cả 04 lò cao. Trong khi đó, hiện Formosa Hà Tĩnh mới chỉ hoàn thành và đưa vào vận hành 02 lò cao, cụ thể là vận hành lò cao số 1 vào năm 2017 và lò cao số 2 vào năm 2018. Việc Formosa Hà Tĩnh đầu tư tài sản cố định cho cả 04 lò cao nhưng chỉ vận hành 02 lò cao chính là nguyên nhân khiến cho suất đầu tư của Formosa Hà Tĩnh gấp hơn 3,4 lần so với Hòa Phát Dung Quất – một công ty cùng sản xuất một loại sản phẩm, cùng đầu tư tại Việt Nam tại cùng một thời kỳ.

Theo Báo cáo tài chính của Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát Dung Quất, suất đầu tư và chi phí khấu hao trên 01 tấn sản lượng của Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát Dung Quất như sau:

Bảng 4: So sánh suất đầu tư và chi phí khấu hao trên 01 tấn sản lượng của Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát Dung Quất

Chỉ tiêu Thuyết minh Formosa

Hà Tĩnh

[1]

Hòa Phát

Dung Quất

[2]

So sánh

 

[3] = [1] – [2]

Nguyên giá tài sản cố định năm 2023 (VND) A 259.811.411.582.000 72.676.638.668.319
Công suất thiết kế tất cả các sản phẩm (tấn) B 6.400.000 6.000.000
Suất đầu tư (VND/tấn) C = A/B                 40.595.533 12.112.773   28.482.760
Chi phí khấu hao năm 2023 (VND) D 12.951.345.669.000 4.298.831.662.361
Chi phí khấu hao trên 01 tấn sản lượng (VND/tấn) E = D/B    2.023.648 716.472   1.307.176

Có thể thấy suất đầu tư của Formosa Hà Tĩnh là 40.595.533 VND/tấn, trong khi cùng sản xuất một loại sản phẩm, cùng một môi trường đầu tư tại Việt Nam, suất đầu tư của Hòa Phát Dung Quất chỉ ở mức 12.112.773 VND/tấn. Như vậy, suất đầu tư của Formosa Hà Tĩnh cao hơn 28.482.760 VND/tấn, gấp 3,4 lần so với Hòa Phát Dung Quất.

Suất đầu tư của Formosa Hà Tĩnh quá cao dẫn đến chi phí khấu hao trên 01 tấn sản lượng cao tương ứng. Chỉ riêng chi phí khấu hao trên 01 tấn sản lượng của Formosa Hà Tĩnh trong năm 2023 đã lên đến 2.023.648 VND/tấn, cao hơn Hòa Phát Dung Quất đến 1.307.176 VND/tấn khi chi phí khấu hao trên 01 tấn sản lượng của Hòa Phát Dung Quất chỉ ở mức 716.472 VND/tấn. Chi phí khấu hao sẽ được tính vào trong giá vốn hàng bán. Giá vốn hàng bán của Formosa Hà Tĩnh bị đẩy lên rất cao trong khi giá bán HRC của Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát không chênh lệch quá nhiều, dẫn đến việc Formosa Hà Tĩnh thua lỗ là điều tất yếu.

Theo phát biểu của Ông Chen Yuan-cheng – Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh trên trang Nikkei Asian Review tại đường dẫn https://asia.nikkei.com/Economy/Vietnam-shivers-as-China-s-steel-capacity-glut-returns, được trích dẫn lại tại trang The Leader tại đường dẫn  https://theleader.vn/formosa-ha-tinh-can-nhac-dung-ke-hoach-xay-lo-cao-so-3-1561357784387.htm thì Formosa Hà Tĩnh dừng kế hoạch xây dựng lò cao số 3 vào cuối năm 2019 do những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, hoàn toàn không phải là hệ quả gây ra bởi việc nhập khẩu HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ. Việc Formosa Hà Tĩnh thua lỗ trong năm 2023 là điều tất yếu. Không chỉ trong năm 2023 mà cả những năm sau này, chừng nào Formosa Hà Tĩnh chưa hoàn thiện và đưa vào vận hành toàn bộ 04 lò cao thuộc dự án của Formosa Hà Tĩnh tại Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh vẫn sẽ tiếp tục thua lỗ vì lợi nhuận thu được từ sản lượng HRC của 02 lò cao không thể gánh nổi chi phí khấu hao của cả 04 lò cao.

Ai được hưởng lợi khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ?

Nếu Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc thì mặt bằng giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng lên vì cộng thêm tiền thuế chống bán phá giá, và như vậy nguồn cung HRC từ Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm xuống. Trong khi đó, cung HRC nội địa từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh hiện KHÔNG đáp ứng được nhu cầu HRC của Việt Nam. Hệ quả tất yếu là nguồn cung HRC vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu sẽ càng thiếu hụt trầm trọng nếu Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi đó, theo quy luật cung cầu, giá HRC nội địa mua từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chắc chắn sẽ tăng thêm bằng mức thuế chống bán phá giá so với mặt bằng giá HRC khi không có thuế chống bán phá giá.

Phần giá tăng thêm do áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là lợi nhuận ròng tăng thêm cho Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Phần lợi nhuận tăng thêm này chính là khoản tiền mà người mua tại Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam, các nhà thầu xây dựng, các chủ đầu tư công trình, người tiêu dùng cuối cùng…) phải trả thêm để mua được HRC và các loại thành phẩm được sản xuất từ HRC (tôn mạ, ống thép…) với số lượng như trước đây so với khi chưa có thuế chống bán phá giá.

Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh hiện đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất ưu đãi là 10%, đồng thời được giảm 50% số thuế phải nộp. Do đó, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 5%. Như vậy, 95% lợi nhuận tăng thêm từ việc tăng giá bán HRC do áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ chính là lợi nhuận ròng tăng thêm cho Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh, trong đó Formosa Hà Tĩnh là công ty 100% vốn Đài Loan.

Ngày 14/6/2024, Cục PVTM thông báo hồ sơ của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đầy đủ và hợp lệ. Trong vòng 45 ngày, tức chậm nhất ngày 29/7/2024, Bộ Công Thương sẽ ra quyết định cuối cùng về việc có khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ hay không. Các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam đang chờ đợi và tin tưởng rằng Bộ Công Thương sẽ đưa ra những quyết định khách quan, thấu tình đạt lý, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam.

HOA SEN GROUP

Tin liên quan