CHƯƠNG TRÌNH “CẶP LÁ YÊU THƯƠNG” TẠI HẬU GIANG
- MC Đại Nghĩa thích thú khi thấy Isaac và Mie thực hiện thử thách bốc túi mù trong chương trình Mái ấm gia đình Việt
- Đại Nghĩa, Bùi Quỳnh Hoa, Tiểu Vy, Thanh Thủy cùng nhiều nghệ sĩ đội mưa, chịu lạnh để ghi hình chương trình Mái ấm gia đình Việt
- Mái ấm gia đình Việt: Hơn 400 triệu đồng được trao trong ngày ghi hình đầu tiên tại tỉnh Quảng Bình
Chương trình “Cặp lá yêu thương” năm 2018 với sự đồng hành của tập đoàn Hoa Sen đã được tổ chức tại Hậu Giang và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 lúc 10h45.
Với mục đích là cầu nối để các nhà hảo tâm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; góp phần lan tỏa tình yêu thương nhân ái trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình Việt và xây dựng một xã hội tốt đẹp giàu tính nhân văn, chương trình “Cặp lá yêu thương” đã phát sóng những hoản cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và những phóng sự đi kèm trong quá trình giúp đỡ, hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt này.
Các hoàn cảnh được giới thiệu trong chương trình:
1. “Ngôi nhà lá bên sông”: là hoàn cảnh đáng thương của bé Trần Quốc Minh – 11 tuổi, tuy còn nhỏ tuổi nhưng em đã là trụ cột của gia đình. Cha em bị thiếu máu tim, viêm phổi. Mẹ em thì bị động kinh. Đứa em bé bỏng thì đã bị bệnh ngay từ lúc mới sinh ra khiến cho con đường đến lớp hàng ngày của Quốc Minh càng thêm nhiều nỗi âu lo.
2. “Ráng cách nào cũng cho cháu đi học”: Tiếp tục hành trình của Cặp lá yêu thương tại Hậu Giang, chương trình đã ghé thăm ấp 1, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, nơi có căn nhà mà Thành Phát và Quốc Huy (10 và 11 tuổi) đang được ông bà nuôi dưỡng hàng ngày. Bố mẹ mất sớm, nhà tuy nghèo nhưng bằng mọi cách ông bà vẫn cố gắng cho cháu ăn học nên người, đó là tâm nguyện cả đời của ông bà.
3. “Đóa hoa súng vô thường”: Trong bài thơ “Hoa súng” Nhà văn Chế Lan Viên từng viết: “Người ta chỉ biết màu sen anh đỏ rực/Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu.” Với hai chị em Ngọc Chúc, Ngọc Hân, nỗi buồn ấy chính là lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Từ tấm bé, ông bà ngoại đã nhận trách nhiệm nuôi các em. Hoàn cảnh nghèo khó, nhưng không bao giờ Ngọc Chúc từ bỏ cơ hội được đến trường. Niềm vui lớn nhất của em hiện tại là được đi học.
4. “Ba yêu con biết bao nhiêu”: Vợ mất sớm, gà trống nuôi hai con trai là bé Bảo Ân – Bảo Phúc hơn 2 năm nay, thân lại mang bệnh nan y, anh Kỳ hiểu rõ những khó khăn trong cuộc sống gia đình vắng bóng người phụ nữ. Nghèo thật đấy, nhưng các con anh nhất định phải được đi học.
5. “Miệng luôn nở nụ cười”: là cách người khác nói về bạn Phạm Thị Thủy Tiên. Người ta thường nói “Sảy cha còn chú, sảy mẹ ấp vú dì”. Vậy mà với một đứa trẻ vừa tuổi ăn tuổi lớn, tất cả những người thân yêu nhất đều không còn trên đời. Có lẽ, nỗi mất mát quá lớn này ngay cả người lớn cũng chưa thể vượt qua nổi. Thế nhưng khi trải lòng cùng chương trình, cô sinh viên năm nhất đối diện với nỗi đau bằng sự lạc quan hiếm có, đang không ngừng nỗ lực để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.
6. “Ngày 30 mẹ về”: Với mọi đứa trẻ, được ở cạnh bố mẹ luôn là niềm hạnh phúc to lớn nhất. Thế nhưng vì mưu sinh, nhiều người phải rời xa con cái để kiếm cái ăn cái mặc và tìm một con đường tươi sáng hơn cho con mình. Với cậu bé Nguyễn Minh Hiếu ở Hậu Giang, được gặp mẹ, ngủ cùng mẹ đã là hạnh phúc lớn lao, vì cậu bé luôn nhớ lời mẹ: 30 mỗi tháng mẹ sẽ về.
7. “Tiếng rao của ngoại”: Ngoại đi rao hàng kiếm vài chục ngàn cho em ăn học. Bao năm 2 bà cháu gói bánh cặm cụi sống qua ngày. Thương ngoại, em Lê Thị Bích Châm đã đạt 9 năm học sinh giỏi và luôn nuôi cho mình ước mơ kiếm được tiền giúp đỡ ngoại.
Với sự đồng hành của Tập đoàn Hoa Sen, chương trình “Cặp lá yêu thương” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Hậu Giang và khán giả cả nước. Chương trình ý nghĩa này sẽ còn tiếp tục được tổ chức tại các địa phương trên cả nước với lịch trình cụ thể như sau:
- Tháng 2: Sơn La
- Tháng 3: Tây Ninh
- Tháng 4: Hà Tĩnh
- Tháng 5: Trà Vinh
- Tháng 6: Vĩnh Phúc
- Tháng 7: Vĩnh Long
- Tháng 8: Bắc Cạn
- Tháng 9: Đắk Nông
- Tháng 10: Lạng Sơn
- Tháng 11: Quảng Nam
- Tháng 12: Bắc Giang