Văn hóa doanh nghiệp – Yếu tố quyết định sự trường tồn

Văn hóa là linh hồn của DN

Không ngẫu nhiên mà những thương hiệu khổng lồ trên thế giới đều xây dựng cho mình một nét văn hóa đặc thù, dựa trên giá trị cốt lõi cũng như triết lý kinh doanh.

Chẳng hạn, Google luôn nỗ lực duy trì văn hóa cởi mở thường xuyên. Trong chiến lược quản trị cũng như tuyển dụng, Google luôn hướng đến việc xây dựng đội ngũ nhân viên chủ động, sáng tạo, đóng góp ý kiến, chia sẻ ý tưởng và quan điểm của mình. Điều đó cho thấy, trong VHDN của Google họ chú trọng đến khuyến khích sự sáng tạo.

 

Với “đại gia” Toyota, một thương hiệu hàng đầu thế giới của Nhật Bản cũng xây dựng cho mình những chuẩn mực và nguyên tắc rất chặt chẽ, dựa trên lợi ích to lớn của nhân viên, của người tiêu dùng. Điều này đã hình thành nên văn hóa của DN, một văn hóa rất riêng, giúp nhân viên công ty nâng cao tính sáng tạo và năng lực làm việc để Toyota đứng vững nhiều thập kỷ.

 

Những DN có quy mô lớn thường tập hợp những con người khác nhau về trình độ, quan hệ xã hội, tư tưởng văn hóa… nên đã tạo ra môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, DN chính là nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người. Điều này đòi hỏi DN phải xây dựng và duy trì một bản sắc văn hóa riêng, phát huy được năng lực và thúc đẩy sự đóng góp của toàn thể nhân viên vào mục tiêu chung. 

 

Văn hóa doanh nghiệp tại một DN Việt

 

VHDN có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp đó khó có thể đứng vững và tồn tại được, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Ý thức được vai trò quan trọng của VHDN, ngay từ buổi đầu thành lập, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã xây dựng một hệ thống VHDN đặc thù, tiêu biểu cho những doanh nghiệp xây dựng thành công VHDN.

 

Dựa trên giá trị cốt lõi: “Trung thực, cộng đồng và phát triển”, HSG đã xây dựng trên nền tảng VHDN với 10 chữ T: Trung thực – Trung thành – Tận tụy – Trí tuệ – Thân thiện”. Đây là yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của HSG trong thời gian qua. Đó là sự khác biệt, là khẳng định sứ mệnh của một DN vì cộng đồng, vì sự phát triển chung của đất nước. Trong thực tế, HSG đã đóng góp cho nền kinh tế quốc gia những sản phẩm chủ lực, có giá trị cao, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, tham gia và tài trợ cho nhiều hoạt động từ thiện và xã hội. Từ những giá trị cốt lõi đó, những người “lèo lái” HSG đã từng bước đưa DN này trở thành một nhà xuất khẩu tôn hàng đầu khu vực Đông Nam Á hiện nay – Một thương hiệu đã đi vào lòng người từ nếp nghĩ.

Để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa trong DN, một lãnh đạo của HSG cho biết, hiện công ty đang hợp tác với một đơn vị tư vấn, hỗ trợ nhằm hệ thống những giá trị văn hóa của DN như: nghiên cứu về nội quy lao động, chính sách phát triển nguồn nhân lực, nội san, website… của mình để tìm hiểu rõ hơn về sức sống thực sự của các giá trị cốt lõi vào trong hoạt động thực tế của HSG. Bên cạnh đó, còn có các khảo sát định tính, định lượng, tổng hợp và phân tích khoa học dựa trên các số liệu có được. Đây là cơ sở phản ánh độ mạnh giá trị VHDN, mức độ hiểu biết VHDN của từng đơn vị và đánh giá mức độ hiểu biết, tuân thủ của nhân viên đối với các giá trị văn hóa của tập đoàn. Qua đó, có những điều chỉnh hợp lý nhằm nâng tầm VHDN theo hướng hoàn thiện hơn.

 

TRUNG ĐỒNG

 

Tin liên quan